Friday, June 21, 2013

CSCĐ có quyền phạt hành vi chạy xe quá tốc độ không?

CSCĐ có quyền phạt hành vi chạy xe quá tốc độ không?

CSCĐ có quyền phạt hành vi chạy xe quá tốc độ không? Khi chạy quá tốc độ CSCĐ có quyền sử phạt không

Tình huống cần hỏi đáp :

Vào hồi 23h ngày 3/9/2010, trên đoạn đường từ Ngã Tư Cổ Nhuế về Mĩ Đình, Tôi gặp cảnh sát cơ động, họ yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ, sau đó họ nói, tôi đi quá tốc độ quy định, họ cho tôi 2 phương án, 1 tạm giữ xe, 2 nộp phạt 1triệu đồng.
Diễn Đàn Dân Trí cho em hỏi: Phạm vi và quyền hạn của Cảnh sát cơ động. Nếu như tôi vi Phạm Luật giao thông, Cảnh sát cơ động có quyền phạt hay không?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời:

Theo như nội dung trong câu hỏi của bạn thì trong trường hợp này bạn đã vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ (chạy quá tốc độ quy định), hành vi vi phạm về chạy quá tốc độ này được quy định tại điểm c khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 34).

Liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát cơ động, khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 47 Nghị định số 34 quy định như sau:

- Khoản 2 Điều 4: “Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải do người có thẩm quyền được quy định tại các Điều 47, 48, 49 và Điều 50 của Nghị định này tiến hành”.

-  Khoản 3 Điều 47: “Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:

a) Điểm đ, điểm e, điểm g, điểm l khoản 1; điểm g, điểm h, điểm m khoản 2; điểm b, điểm d, điểm h khoản 3; điểm a, điểm b, điểm đ, điểm h khoản 4; điểm b khoản 5; điểm b, điểm c khoản 6; khoản 7; khoản 8 Điều 8;

b) Điểm g, điểm h khoản 1; điểm b, điểm d, điểm đ, điểm i khoản 2; điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i, điểm k khoản 3; điểm đ, điểm g, điểm i khoản 4; điểm b, điểm d khoản 5; điểm b khoản 6; khoản 7; khoản 8 Điều 9;

c) Điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i khoản 2; điểm b, điểm đ, điểm h khoản 3; điểm d, điểm e, điểm g khoản 4; điểm b, điểm c khoản 5; điểm a khoản 6; khoản 7 Điều 10;

d) Điểm c, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1; khoản 2; khoản 3; khoản 4 Điều 11;

đ) Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15;

e) Khoản 1, khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 18;

g) Điều 21, Điều 23;

h) Điểm b khoản 1; điểm a, điểm b khoản 4; điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều 26;

i) Điều 29, Điều 32;

k) Khoản 3, khoản 4 Điều 34; Điều 35, Điều 37, Điều 38.

Như vậy, căn cứ quy định pháp luật nêu trên thì Cảnh sát cơ động không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định của bạn (hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ được quy định tại điểm c khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 9).

Trong trường hợp này, bạn có quyền khiếu nại đến người ra quyết định xử phạt đối với bạn nếu bạn có căn cứ chứng minh (biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hóa đơn nộp phạt...). Nếu người bị khiếu nại lần đầu không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định hoặc bạn không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì bạn có quyền tiếp tục khiếu nại lên cấp trên của người này hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch HĐTV

Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự

Số 6, Trung Yên 3, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: 04.3.7868574 - 0913588529   Fax: 04.3.7868575

Nguồn dantri.com.vn

No comments:

Post a Comment